Việt Nam có thêm Công viên Địa chất Toàn cầu

Việt Nam có thêm Công viên Địa chất Toàn cầu

Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận giúp Việt Nam nâng tổng số lên ba Công viên Địa chất Toàn cầu.

Quyết định được Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 thông qua hôm nay (7/7) tại Paris. Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO là danh hiệu ghi nhận đối với một khu vực tự nhiên, chứa đựng tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội… tầm cỡ quốc tế, được bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể. Để được công nhận, công viên cũng cần có diện tích đủ lớn để có tác động đối với phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương.

Công viên địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015. Tại đây có tới 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước… Khu vực này nổi tiếng là vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, có nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên và dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Xương sọ người và hàng chục nghìn mẫu vật được tìm thấy trong hố thăm dò rộng 6 m2, sâu 1,85 m trong hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Các nhà khảo cổ khai quật xương sọ người tiền sử tìm thấy trong trong hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Năm 2018, TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các nhà khoa học đã công bố phát hiện hàng chục nghìn di vật là mảnh gốm, công cụ đá, mảnh tước, xương răng động vật, xương sọ người… ở hang núi lửa Krông Nô. Phát hiện này là chứng cứ khoa học có giá trị bổ sung đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu toàn cầu đối với công viên địa chất Đắk Nông.

Đến tháng 11/2018, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và UBND tỉnh Đắk Nông đã hoàn thiện hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông trình lên UNESCO, theo thông cáo phát hành ngày 7/7 của Bộ Ngoại giao.

Với sự công nhận này, Công viên Địa chất Đắk Nông trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có 147 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO ở 41 quốc gia được công nhận.

Trả lời